Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

* 97 tuổi vẫn vẽ tốt

97 tuổi vẫn vẽ tốt

 ( saigongiaitri.neT ) 
Đó là trường hợp của họa sĩ lão thành Huỳnh Văn Thuận. Năm nay ông đã 97 tuổi nhưng vẫn vẽ tốt và mới tham gia Triển lãm Mỹ thuật chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân VN tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.


Kéo bừa thay trâu, tranh khắc của lão họa sĩ Huỳnh Văn Thuận
Kéo bừa thay trâu, tranh khắc của lão họa sĩ Huỳnh Văn Thuận
Trong số 58 tác phẩm của 28 tác giả thuộc CLB mỹ thuật Cựu chiến binh và Kháng chiến tham gia triển lãm lần này, tác phẩm gây được sự chú ý nhiều nhất chính là Kéo bừa thay trâu, tranh khắc của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Tác phẩm này được chú ý bởi không chỉ đẹp mà còn có một xuất xứ rất đặc biệt. Bức tranh này được họa sĩ Huỳnh Văn Thuận ấp ủ và phác thảo từ năm 1954, tức 62 năm trước, đến năm nay 2016 mới hoàn thành khi ông đã 97 tuổi.

Đây có thể là bức tranh kỷ lục về thời gian thực hiện kể từ khi phác thảo đến lúc hoàn thành là 62 năm. Kéo bừa thay trâumiêu tả cảnh quân và dân ta cùng nhau kéo bừa thay cho trâu trong những năm kháng chiến đầy gian khổ và thiếu thốn.

Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận cũng là người cuối cùng của thế hệ họa sĩ xuất thân từ Trường mỹ thuật Đông Dương còn sống vui, sống khỏe tại miền Nam. Ông cũng là họa sĩ cao tuổi nhất của CLB mỹ thuật CCB & Kháng chiến. CLB này hiện nay có 95 thành viên (CCB có 67 họa sĩ và Kháng chiến có 28 họa sĩ). Trong đó có 13 họa sĩ trên 80 tuổi, 27 họa sĩ trên 70 tuổi và 32 họa sĩ trên 60 tuổi, còn lại là dưới 60 tuổi.


Họa sĩ Đào Xuân Thảo phát biểu trong lễ khai mạc triển lãm


Chủ tịch và phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM chụp kỷ niệm với các họa sĩ lão thành

Dù đa số là các họa sĩ lớn tuổi nhưng theo nhận xét của họa sĩ Đào Xuân Thảo (phó chủ nhiệm CLB mỹ thuật CCB & KC) thì tuy tuổi hơi già nhưng tác phẩm lại rất trẻ, tuy sức hơi yếu nhưng tác phẩm lại rất khỏe. Triển lãm lần này được đánh giá là phong phú về chất liệu (sơn mài, sơn dầu, đá, chì, màu nước, sơn khắc, khắc gỗ, khắc cao su, tổng hợp, lụa, acrylic, tượng composit, phù điêu...) và đa dạng về phong cách cũng như đề tài.


Tác phẩm ghép đá Chân dung Bác Hồ của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch


Tác phẩm Chân dung Võ Nguyễn Giáp, bút điện của Nguyễn Xuân Đông


Dân quân giữ biển, tran sơn dầu của Nguyễn Thanh Minh


Tranh sơn mài Đóng quân trong núi của họa sĩ Quách Phong


Về ở nhà dân, tranh sơn dầu của Phạm Thanh Tâm


Phù điêu composit Lính nghe đàn của tác giả Phùng Chý Thu


Nỗi đau Gạc Ma, tranh khắc gỗ của Ngyễn Phú Hậu


Cô gái H'mông, tranh sơn mài của Nguyễn Quang Vinh


Nắng cao nguyên, tranh sơn dầu của Lê Hoa


Mùa thu hoạch, tranh sơn dầu của họa sĩ Đào Xuân Thảo


Chân dung thiếu nữ, tranh lụa của Nguyễn Đăng Khoát


Bầu sữa mẹ, tượng composit của họa sĩ Lệ Thủy


Căn cứ Ba Thu, 1 trong 4 tác phẩm mà phu nhân của cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông đem đến tham gia triển lãm. Cũng triển lãm này năm ngoái, sau hôm khai mạc họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã ra đi để lại cho đời hơn 20.000 tác phẩm

Triển lãm cũng là tấm lòng của các họa sĩ thể hiện tinh thần "Nghệ sĩ là chiến sĩ" qua nội dung tác phẩm đã chuyển tải được tâm tư, tình cảm và những trãi nghiệm trong cuộc sống chiến đấu và xây dựng, tạo nên nhiều cảm xúc đưa vào tác phẩm bên cạnh những sáng tác về cuộc sống dung dị đời thường của một "công dân nghệ sĩ".

Triển lãm mở cửa từ ngày 13 đến 22/12/2016, tại Hội mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, Q.3).

HỒNG SƠN

* Họa sĩ Huỳnh Phương Đông - Một đời sáng tạo nghệ thuật

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông - Một đời sáng tạo nghệ thuật

( sggp.org.vn )
Ngày 19-4, gần 180 tác phẩm của họa sĩ lão thành cách mạng Huỳnh Phương Đông được chọn lọc, giới thiệu đến đông đảo công chúng và giới nghệ thuật cả nước tại số 97A Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM.
        Người họa sĩ - chiến sĩ
Huỳnh Phương Đông, tên thật là Huỳnh Công Nhãn sinh năm 1925 tại Gia Định, nguyên quán ở Kế Sách tỉnh Sóc Trăng. Năm 1940, ông theo học trường vẽ Gia Định. Năm 1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của quân dân ta nổ ra trên khắp Nam bộ, ông trở về Sóc Trăng tham gia cách mạng. Tác phẩm đầu tiên ông vẽ là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, ông trở lại Sài Gòn cùng 3 học sinh của Trường Vẽ Gia Định gồm Hoàng Trầm, Nguyễn Đức Gia và Trần Trung Hiếu hoạt động bí mật, thực hiện vẽ biểu ngữ và viết truyền đơn cổ động phong trào đấu tranh của nhân dân. 

Năm 1947, bốn người vào khu căn cứ Việt Minh ở Rừng Sác tham gia kháng chiến. Ông được kết nạp Đảng cộng sản Đông Dương năm 1951, sau hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Tại đây, ông tiếp tục theo học môn điêu khắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1963, một lần nữa dở dang việc học, ông được lệnh về Nam chiến đấu để lại vợ và 2 con nhỏ ở miền Bắc. 
Một số tác phẩm của họa sĩ Huỳnh Phương Đông.
Thời gian hoạt động tại chiến trường miền Nam là thời kỳ con người nghệ sĩ - chiến sĩ Huỳnh Phương Đông được khắc họa đậm nét nhất. Được giao trọng trách phó phòng rồi Trưởng phòng Hội họa Giải Phóng năm 1971, ủy viên phụ trách tiểu ban văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, ông vừa đào tạo các lớp họa sĩ trẻ kế thừa vừa cùng đồng đội tham gia những trận đánh và chống càn.

Cùng với đồng đội, dấu chân ông đã in khắp những mặt trận nóng bỏng lúc bấy giờ, từ trận càn Junction City tại căn cứ B2, cùng Tiểu đoàn 14 Tây Ninh chiến đấu ở núi Bà Đen, Gò Dầu, Long An đến trận đánh giải phóng Lộc Ninh, giải phóng Phước Long rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngoài vai trò của người chiến sĩ, ông còn có thêm nhiệm vụ quan trọng là sáng tác tranh, triển lãm tại chiến hào cổ vũ bộ đội trước khi ra trận. 

Ký họa chiến trường và tranh của ông là những tác phẩm sinh động, ghi lại những khoảnh khắc chiến đấu anh dũng của đồng bào chiến sĩ miền Nam, với bút pháp khoẻ khoắn và phóng khoáng làm xúc động lòng người. Xem tranh Huỳnh Phương Đông, người ta thấy cả chất thơ của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, nói đúng hơn đó là chất anh hùng ca ở mảnh đất thành đồng tổ quốc. 

Qua các ký họa của Huỳnh Phương Đông, người ta phát hiện ra rằng con người miền Nam trong máu lửa vẫn tràn đầy lạc quan. Chính nét bút tài hoa của Huỳnh Phương Đông đã toát lên vẻ bình tĩnh lạc quan đó. Những tác phẩm của ông có thể xem là sử thi của đất nước qua hai cuộc kháng chiến anh dũng được chép bằng chì, bằng cọ của người nghệ sĩ - chiến sĩ đã len lỏi từ Rừng Sác đến bưng biền Đồng Tháp Mười, từ trận La Ngà oanh liệt thời chống Pháp đến trận ấp Bắc vang dội thời đánh Mỹ…
        Kho sử thi bằng tác phẩm mỹ thuật
Để chuẩn bị cho triển lãm của lão họa sĩ, từ hơn 3 tháng trước, tập thể cán bộ nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã tập trung dốc sức hoàn thành tất cả các khâu, từ đến nhà chọn tác phẩm, làm bo, làm khung, làm vệ sinh tranh đồng thời sưu tập những tư liệu hình ảnh, thông tin, bài báo viết về Huỳnh Phương Đông. 

Bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho biết: “Chúng tôi muốn cung cấp những thông tin khái quát nhất như phim, hình ảnh, tư liệu về sự nghiệp chiến đấu, sáng tác và cuộc sống của ông chứ không chỉ có những tác phẩm triển lãm. Với chúng tôi, triển lãm như một lời tri ân đối với người nghệ sĩ đã tham gia hai cuộc kháng chiến và giành trọn cuộc đời để sáng tạo cống hiến cho nghệ thuật”. 

Trưng bày lần này của Huỳnh Phương Đông giới thiệu hơn 60 tác phẩm tranh, 10 tranh cổ động, 7 tượng và hơn 100 ký họa - là một phần nhỏ trong kho tàng khổng lồ hơn chục ngàn tác phẩm mà họa sĩ vẫn đang lưu giữ tại nhà. Kho tàng mà ông luôn nâng niu, trân trọng bởi đó là gia tài của gần 70 năm cầm cọ và 30 năm chiến đấu trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hơn 60 tác phẩm tranh, chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu, được ông sáng tác sau năm 1975 thể hiện những xúc cảm của họa sĩ trước cuộc sống, niềm hạnh phúc được sống trong hòa bình dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn. 

Và bây giờ, ở tuổi 90 ông vẫn tay cầm bút chì, cây cọ, tay cặp giấy, tấm toan để khắc họa con người, cảnh vật xung quanh. Có lẽ với ông, sống là để sáng tạo nghệ thuật, còn sống là ông còn vẽ. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh ông vẫn luôn nghĩ tới tác phẩm, bố cục từng tranh, làm sao nhanh hết bệnh để được vẽ tiếp.

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một trong những tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, tình yêu và sự hăng say lao động nghệ thuật. Những sáng tạo của ông góp phần cho sự phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, những tác phẩm của ông chính là những trang sách viết bằng hình ảnh sinh động về lịch sử đấu tranh kiên cường vì độc lập dân tộc, vì hòa bình hạnh phúc của nhân dân.
MINH AN

'* Luật ngầm' nơi phòng kín giữa họa sĩ và mẫu nữ khỏa thân

'Luật ngầm' nơi phòng kín giữa họa sĩ và mẫu nữ khỏa thân

“Nói là hy sinh vì nghệ thuật nhưng không phải nói cởi là cởi hay cứ có tiền là lột sạch”.
Body painting- loại hình nghệ thuật nhạy cảm
Ở hai bài trước, độc giả biết đến nghệ thật body painting qua lời kể của cả họa sĩ và mẫu nữ khỏa thân.
Họ hướng đến lĩnh vực nhạy cảm này với bầu nhiệt huyết cống hiến cho nghệ thuật. Người sẵn sàng nude để làm chất liệu vẽ, người tỉ mỉ, chăm chút từng chi tiết hoa văn và để có một tác phẩm đẹp, cả hai bên phải có sự đồng điệu về tâm hồn.
Thế nhưng, trước khi cởi đến lớp áo cuối cùng và bước vào phòng kín, mẫu nữ cùng họa sĩ đã đặt ra những "nguyên tắc thép". Đó được cho là điều kiện cần để mẫu nữ sẵn sàng “hy sinh vì nghệ thuật”.
Chỉ cọ vẽ mới được chạm vào "chất liệu"
Nhận được lời đề nghị xin địa chỉ một cô gái từng làm mẫu body painting, anh Huỳnh Thanh Trung (TP.HCM) kiên quyết lắc đầu: “Nguyên tắc là nguyên tắc, tôi không được phép tiết lộ danh tính của mẫu, trừ phi họ đồng ý”.
Một trong những tác phẩm đặc sắc do anh Huỳnh Thanh Trung thực hiện cùng hot girl Nga Tây
7 năm trong nghề, anh Trung có mối giao tình rất tốt với các mẫu nữ từng hợp tác. Họ làm việc với nhau dựa trên sự tin tưởng và niềm cảm hứng chung. Thế nhưng, vẫn có những nguyên tắc được xem là “luật ngầm” mà anh không bao giờ vi phạm.
Khi vẽ và chụp ảnh cho một nẫu nữ không chuyên, anh đều soạn hợp đồng, trong đó cam kết không tiết lộ danh tính mẫu, số nhà, số điện thoại, câu chuyện cá nhân… khi mẫu không cho phép.
Hình ảnh hậu kỳ phải gửi cho các cô gái xem trước khi công bố, nếu không có sự đồng ý của mẫu thì không được phép lọt bất cứ hình ảnh nào ra ngoài.
Và còn có một nguyên tắc bất di bất dịch nữa, dù không cần ghi trong giấy cam kết thì họa sĩ Sài thành vẫn tự hiểu và thực hiện, đó là ngoài cây cọ tiếp xúc với da người mẫu, không được đụng chạm vào bất cứ phần nào trên cơ thể họ. Mỗi khi muốn thay đổi tư thế người mẫu, anh phải xin phép đàng hoàng.
Họa sĩ luôn phải tôn trọng nguyên tắc đã cam kết với mẫu nude (mẫu: Hani Nguyễn)
Dù luôn ý thức, giới hạn giữa mẫu nude và họa sĩ nơi phòng kín nằm ở cái tâm của mỗi người nhưng anh vẫn thường chủ động nói về những nguyên tắc ấy để các cô gái yên tâm.
“Cơ thể là của họ, tôi không thể vẽ đẹp nếu họ ngại ngần. Thế nên, để buổi vẽ diễn ra suôn sẻ, tôi thường cà phê chuyện trò với họ, trao đổi về tính chất công việc, nội dung, tạo hình… để người mẫu thoải mái tâm lý trước khi bước vào phòng vẽ”, anh chia sẻ.
Chị Miên Thảo (nữ họa sĩ body painting nổi tiếng Sài thành) cũng khẳng định, bảo mật hình ảnh là nguyên tắc cực kỳ quan trọng của loại hình nghệ thuật này. Không chỉ họa sĩ mà cả ê kíp bao gồm người làm tóc, trang điểm, chụp ảnh… đều phải hiểu điều đó.
“Hình ảnh hậu trường hoặc những góc hình chưa hoàn thiện hoàn toàn không được tự ý sử dụng. Chúng tôi chỉ dùng những bức ảnh đã qua chỉnh sửa, ngoài ra, phòng làm việc không cho phép người lạ vào”, chị nói.
“Không phải cứ có tiền là cởi”
Vậy về phía mẫu nữ khỏa thân thì sao? Bản thân họ đặt ra những nguyên tắc gì khi quyết định cởi đồ cho họa sĩ vẽ?
Hani Nguyễn - cô gái xinh đẹp mê mẩn nghệ thuật body painting
Hani Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Hiền Trang, 26 tuổi, TP.HCM) cho rằng, với body painting nguyên tắc quan trọng nhất là niềm tin.
“Tôi tin anh thì tôi mới dám để anh tạo tác phẩm trên cơ thể tôi, anh tin tôi thì anh mới thoải mái sáng tạo. Đó là sự cộng hưởng, niềm tin và sự tôn trọng tuyệt đối khi làm việc cùng nhau, tạo ra tác phẩm hoàn mĩ”, Trang nói.
Tuy nhiên, mẫu nữ Sài thành và người họa sĩ mà cô tin tưởng vẫn ràng buộc nhau bằng những hợp đồng kín kẽ. Mỗi lần thực hiện một tác phẩm, cô thường ký hai bản cam kết khác nhau, trong đó ghi rõ những điều họa sĩ được và không được phép làm.
Hiền Trang còn thường tự cho mình một khoảng thời gian cảm nhận, đánh giá về họa sĩ sắp hợp tác. Cô không bao giờ vội bởi "body painting không có chỗ cho sự vội vàng, ngần ngại và thiếu tin tưởng".
Cô luôn đề cao niềm tin khi làm việc cùng họa sĩ
“Nói là hy sinh về nghệ thuật nhưng không phải bảo cởi là cởi hay cứ có tiền là sẵn sàng lột sạch đâu. Để có được một tác phẩm cho mọi người thưởng lãm, mẫu và họa sĩ cần rất nhiều thời gian để hiểu nhau và có được sự đồng điệu về tâm hồn”, Hiền Trang chia sẻ.
Khi giải quyết hết được những khúc mắc tâm lý, khi niềm tin được đặt trọn, cái tâm và tình sẽ lên ngôi, tác phẩm body painting được xây dựng lên từ chất liệu chân, thiện, mỹ.
Không ít lần làm mẫu nude nhưng chưa bao giờ Hiền Trang phải “ngó” đến bản hợp đồng lần thứ hai bởi, lần nào cô cũng được họa sĩ tôn trọng tuyệt đối. Nghiêm túc là nền tảng cho cảm xúc thăng hoa- đó cũng là lý do cô thực sự yêu thích loại hình nghệ thuật này.

Tìm kiếm Blog này